Sao lưu dữ liệu lên đám mây: Giải pháp quan trọng khi dùng SaaS

 Sao lưu dữ liệu lên đám mây: Giải pháp quan trọng khi dùng SaaS

Những mối nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với người dùng SaaS. Vì vậy, Security Info Watch đã khuyến nghị một số chiến lược sao lưu quan trọng giúp giảm thiểu mất mát dữ liệu và thiệt hại tài chính do vi phạm bảo mật.

SaaS là viết tắt của từ Software as a Service, là phần mềm dạng dịch vụ mà các nhà cung cấp mang đến cho người sử dụng dựa trên trên công nghệ điện toán đám mây (Cloud computing). Được định nghĩa là mô hình phân phối dịch vụ ứng dụng qua phần mềm.

Sao lưu dữ liệu lên đám mây: Giải pháp quan trọng khi dùng SaaS (1)

Trong nhiều năm, các ứng dụng SaaS dựa trên đám mây như Office 365 đã trở thành một phần cơ bản của nhiều quy trình công việc và là "phần mềm tổng hợp" cho mọi dữ liệu, cho phép các nhóm chia sẻ tài liệu trên nhiều thiết bị, dễ dàng lưu trữ dữ liệu trong đám mây công cộng hoặc riêng tư và cộng tác trong thời gian thực.

Mặc dù đã trở nên quen thuộc và được sử dụng ngày càng rộng rãi, nhưng có một quan niệm sai lầm phổ biến của mọi người khi sử dụng Office 365 hay các dịch vụ SaaS là không cần sao lưu dữ liệu vì cho rằng các nhà cung cấp sẽ thực hiện tất cả công việc đó. Nhưng thực tế là Office 365 - cùng với nhiều ứng dụng SaaS khác - lưu trữ dữ liệu của bạn, nhưng không đảm bảo rằng họ sẽ khôi phục dữ liệu nếu bạn bị mất dữ liệu của mình. 

Không có một biện pháp bảo vệ nào chống lại việc xóa dữ liệu - cho dù đó là vô tình, cố ý, bị mất dữ liệu do các phần mềm độc hại hay do các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền (ransomware) gây ra. Đặc biệt, khi Office 365 hiện vẫn là mục tiêu chính của các cuộc tấn công SaaS trong năm 2022.

Nhằm đảm bảo khả năng phục hồi của các tổ chức trước những tác nhân xấu hoặc các nguồn mất dữ liệu khác, việc sao lưu dữ liệu lên đám mây đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Hạn chế lưu trữ dữ liệu tại chỗ

Lưu trữ tại chỗ hay on-premises là dạng lưu trữ phụ thuộc vào các thiết bị vật lý của doanh nghiệp (DN), thường nằm trong trung tâm dữ liệu của công ty - trái ngược với việc chạy từ xa trên các máy chủ hay đám mây.

Sao lưu dữ liệu lên đám mây: Giải pháp quan trọng khi dùng SaaS (2)

Với giải pháp này, bằng cách cài đặt và chạy phần mềm trên phần cứng trong khả năng kiểm soát của công ty, nhân viên kỹ thuật có quyền truy cập vật lý vào dữ liệu và có thể trực tiếp kiểm soát cấu hình, quản lý và bảo mật cơ sở hạ tầng máy tính và dữ liệu. Không có sự tham gia của bên thứ ba, DN sẽ đảm nhận toàn bộ quyền sở hữu.

Khi đánh giá về các giải pháp sao lưu ban đầu, nhiều tổ chức có thể lựa chọn sử dụng phương pháp tiếp cận truyền thống là sao lưu dữ liệu tại chỗ, đặc biệt nếu họ đã có một bản sao trực tiếp trên đám mây của Microsoft. Tuy nhiên, việc chỉ dựa vào lưu trữ tại chỗ là không đủ an toàn trong một số trường hợp khi nói đến vấn đề bảo mật dữ liệu.

  • Thứ nhất, thông thường lượng dữ liệu được sao lưu và lưu trữ phát triển nhanh hơn những tính năng của giải pháp lưu trữ dữ liệu tại chỗ, điều này tạo thêm sự phức tạp và tốn kém chi phí để duy trì và mở rộng dung lượng.
  • Thứ hai, sao lưu tại chỗ yêu cầu đồng bộ hóa liên tục với dữ liệu trực tiếp. Việc thường xuyên cập nhật dữ liệu sao lưu này sẽ tốn đáng kể thời gian và tài nguyên của tổ chức, đặc biệt nếu họ đang bắt đầu tạo ra một lượng lớn dữ liệu.
  • Và cuối cùng, lưu trữ tại chỗ khiến các công ty dễ bị mất dữ liệu và rủi ro mạng hơn, vì về cơ bản nó chỉ hoạt động như một bản sao dữ liệu và có thể dễ dàng bị nhắm mục tiêu tấn công. Đó là lý do tại sao mà đám mây và các giải pháp sao lưu bổ sung khác, như Veeam, có thể khôi phục dữ liệu trong trường hợp có lỗi của con người hoặc vi phạm, phát huy tác dụng.

Đa dạng hóa, kiểm tra phục hồi và tính bất biến trong đám mây

Trái ngược với sao lưu tại chỗ, lưu trữ đám mây cung cấp tùy chọn ít rủi ro hơn và linh hoạt hơn, hiệu quả về chi phí cho người dùng SaaS dựa trên đám mây. Nhìn chung, giải pháp này không chỉ ít tốn kém hơn so với các tùy chọn sao lưu tại chỗ mà còn ít tốn kém hơn từ góc độ thời gian và tài nguyên, vì việc bảo trì và cấu hình hiện đang là mối quan tâm ưu tiên của nhà cung cấp.

Ngoài ra, giải pháp sao lưu đám mây còn có một số tính năng chính có thể giúp giảm thiểu tác động của việc vi phạm dữ liệu và các cuộc tấn công ransomware tốt hơn. Cụ thể:

  • Đa dạng hóa

Bằng cách chuyển sang đám mây hoặc phương pháp tiếp cận đa đám mây, các tổ chức có thể đa dạng hóa các bản sao lưu của họ và tránh trường hợp "tất cả trứng để chung vào một giỏ". Lưu trữ tất cả dữ liệu ở một vị trí trung tâm có nguy cơ mất mọi thứ nếu bị vi phạm dữ liệu hoặc bị kẻ xấu xâm nhập.

Do đó, sao lưu "3-2-1" được coi là một giải pháp tương đối an toàn vì nó đảm bảo các DN luôn còn ít nhất một bản sao khi xảy ra sự cố. Phương pháp này hoạt động bằng cách tạo 3 bản sao của tệp và sau đó lưu trữ chúng trong các dạng phương tiện vật lý khác nhau và ở các vị trí địa lý khác nhau. Nhiều DN đã sử dụng phương pháp này để lưu giữ thông tin có giá trị an toàn khỏi tin tặc.

Sao lưu dữ liệu lên đám mây: Giải pháp quan trọng khi dùng SaaS (3)

Sao lưu "3-2-1" được coi là một giải pháp tương đối an toàn vì nó đảm bảo các DN luôn còn ít nhất một bản sao khi xảy ra sự cố.

  • Kiểm tra khả năng phục hồi

Khi lưu trữ các bản sao lưu dữ liệu trên đám mây, các công ty có thể tận dụng thử nghiệm kiểm tra, đánh giá khả năng khôi phục của DN mình trước bất kỳ mối đe dọa nào. Trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công bằng ransomware, các tổ chức đã sao lưu dữ liệu trên đám mây có thể nhanh chóng loại bỏ ransomware và khôi phục dữ liệu đó với thời gian dừng hoạt động tối thiểu.

Mặc dù là một tính năng quan trọng nhưng quá trình khôi phục có thể vừa phức tạp vừa tốn thời gian, do đó, nó cần được kiểm tra trước để xác định và giải quyết bất kỳ vấn đề nào có thể phát sinh trước một cuộc tấn công thực sự. 

Ngoài ra, lưu trữ đám mây cho phép các DN có thể kiểm tra liên tục các quy trình khôi phục của họ bằng cách dễ dàng truy cập vào dữ liệu, cung cấp nhiều thời gian để chuẩn bị.

  • Tính bất biến của đám mây

Một số nhà cung cấp đám mây cung cấp khả năng lưu trữ bất biến để ngăn bất kỳ ai giả mạo, ngay cả quản trị viên hệ thống, sửa đổi hoặc xóa dữ liệu trong một khoảng thời gian nhất định, giữ cho tệp an toàn trước sự gián đoạn. Tính năng này thậm chí có thể giúp ngăn chặn các cuộc tấn công ransomware ngay từ đầu, khi tin tặc cố gắng mã hóa dữ liệu. Tính bất biến hoạt động như một lớp bảo vệ bổ sung quan trọng cho các bản sao lưu trên đám mây của tổ chức.

Thực tế, các mối đe dọa bảo mật đối với Office 365 và những người dùng SaaS dựa trên đám mây khác sẽ không thể biến mất trong tương lai. Vì vậy, các tổ chức, DN cần phải nhận thức rõ về những mối nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra, từ đó có các hành động và giải pháp cần thiết, kịp thời để bảo vệ tài sản dữ liệu quý giá của mình trước các rủi ro mạng. Sao lưu dữ liệu lên đám mây được coi là giải pháp quan trọng, lựa chọn ưu tiên có thể giúp giảm thiểu mất mát dữ liệu và thiệt hại tài chính do vi phạm bảo mật gây ra./.

Nguồn: ictvietnam