Cáp quang biển AAG lại đứt tiếp, khi nào mới sửa xong đây?
Vừa khắc phục xong hôm 12/7 thì đến 19/7, tuyến cáp quang biển AAG lại tiếp tục bị đứt mà chưa rõ nguyên nhân. Không biết khi nào mới sửa xong? Để tăng tốc internet, bạn có thể tham khảo qua một số cách sau.
Ngày 19/7, cáp quang biển AAG lại bị đứt tiếp
Theo chia sẻ của một nhà mạng, vị trí cáp xảy ra sự cố cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 108km. Đơn vị vận hành tuyến cáp AAG hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân xảy ra sự cố.
Dù không ảnh hưởng lớn nhưng sự cố trên tuyến cáp này sẽ làm giảm tốc độ truy cập Internet các dịch vụ kết nối quốc tế của người dùng Việt Nam. Các nhà mạng có khai thác dung lượng trên tuyến AAG đều cho biết đã triển khai biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng.
Trước đó, AAG đã gặp sự cố vào ngày 22-6 và được khắc phục xong vào ngày 12-7, nhưng chỉ được một tuần, tuyến cáp nổi tiếng "mỏng manh" tiếp tục có chuyện.
Được biết, AAG (Asia America Gateway) là tuyến cáp quang biển kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, có chiều dài hơn 20.000km, được đưa vào khai thác từ tháng 11-2009. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tuyến cáp biển này đi qua gồm có Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).
Một số cách tăng tốc Internet hiệu quả lúc đứt cáp quang
Dùng phần mềm VPN
VPN (Virtual Private Network) hay Mạng Riêng Ảo là một công cụ quen thuộc để truy cập các trang web bị hạn chế. Ngoài ra, VPN cũng tỏ ra khá hữu ích trong việc ổn định đường truyền trong trường hợp đứt cáp quang.
Sử dụng phần mềm VPN là một cách hiệu quả để ổn định đường truyền
Hãy tưởng tượng, thay vì dữ liệu của bạn phải xếp hàng trên một con đường nhỏ đang bị gián đoạn, khi sử dụng VPN, nó không chỉ tạo ra một "đường hầm" riêng dành riêng cho gói tin của bạn và nó còn tiến hành "băm nhỏ" dữ liệu để tốc độ truyền tải được tối ưu hơn.
Đối với các thiết bị di động, ứng dụng VPN phổ biến nhất hiện nay là 1.1.1.1 với hiệu suất hoạt động cực kỳ ổn định, đặc biệt là còn miễn phí và không hề có quảng cáo. Các thiết bị máy tính thì khó khăn hơn một chút vì hầu hết các phần mềm VPN chất lượng đều bị tính phí.
Đặt bộ định tuyến ở vị trí phù hợp
Có thể bạn chưa biết thì Wi-Fi là một dạng sóng điện từ và nó rất dễ bị chắn bởi tường bê tông. Thêm cả tuyến cáp quang AAG đang gặp trục trặc nữa thì đừng hỏi vì sao ping lại nhảy "lambada" nhé.
Di chuyển modem hoặc bộ định tuyến đến vị trí hợp lý để tránh tình trạng giật lag nhé
Để khắc phục tình trạng giật lag, có 2 cách, một là di chuyển bộ định tuyến đến gần thiết bị, hai là di chuyển thiết bị đến gần bộ định tuyến. Cách này đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả.
Cắm cáp mạng trực tiếp vào máy (dành cho các thiết bị được hỗ trợ)
Nếu mẹo bên trên không hiệu quả thì còn một cách khác triệt để hơn rất nhiều đó là cắm cáp mạng.
Phương pháp này tuy hiệu quả nhưng lại chỉ có thể áp dụng đối với các thiết bị có hỗ trợ cổng mạng RJ45 hoặc cổng USB Type C có hỗ trợ truyền tín hiệu Internet. Xin lỗi các thiết bị di động nhé, quay vào ô mất lượt rồi!
Tắt bớt các tác vụ không cần thiết
Các chương trình và ứng dụng chạy nền sẽ chiếm rất nhiều băng thông và tác động rất lớn đến thời gian truyền nhận. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các tác vụ cần đường truyền ổn định như chơi game hay xem phim.
Vì vậy khi không cần dùng đến thì nên tắt hết các tab trình duyệt, các ứng dụng chạy nền có kết nối Internet đi nhé. Nó vừa giúp giảm ping mà còn giúp game chạy mượt mà hơn nữa đấy.
Khởi động lại bộ định tuyến
Cũng liên quan đến bộ định tuyến, nhưng nếu việc di chuyển lại gần không phát huy tác dụng, người dùng hoàn toàn có thể tiến hành khởi động lại thiết bị này.
Nếu di chuyển router không hiệu quả thì thử khởi động lại xem
Nhấn vào nút nguồn để tạm thời tắt bộ định tuyến, chờ khoảng 30 giây sau đó khởi động lại.
Trong lúc chờ cáp quang biển AAG được khắc phục thì mời các bạn tham khảo 5 cách trên đây để tăng tốc Internet trong những ngày ở nhà phòng chống dịch Covid nhé.
Nguồn bài: Tổng hợp