Microsoft cảnh báo 7 lỗ hổng bảo mật mức cao và nghiêm trọng
Ngày 12/4, Microsoft đã phát hành danh sách bản vá tháng 4 với 128 lỗ hổng bảo mật trong các sản phẩm của mình. Đáng chú ý có 7 lỗ hổng bảo mật mức cao và nghiêm trọng.
3 lỗ hổng bảo mật mức nghiêm trọng và 4 lỗ hổng mức cao
Cụ thể, các lỗ hổng bảo mật có mức ảnh hưởng nghiêm trọng gồm CVE-2022-26809, CVE-2022-24491 và CVE-2022-24497. Trong đó:
- Lỗ hổng bảo mật CVE-2022-26809 tồn tại trong RPC Runtime Library, ảnh hưởng đến các máy dùng hệ điều hành Windows 7/8.1/10/11 và Windows Server 2008/2012/2016/2019/2022. Lỗ hổng này cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa với đặc quyền cao trên hệ thống bị ảnh hưởng.
- Hai lỗ hổng bảo mật có mức ảnh hưởng nghiêm trọng khác là CVE-2022-24491 và CVE-2022-24497 tồn tại trong Windows Network File System, cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa với đặc quyền cao.
Theo Cục An toàn thông tin, biện pháp tốt nhất để khắc phục khi phát hiện hệ thống bị ảnh hưởng là cập nhật bản vá cho các lỗ hổng bảo mật theo hướng dẫn của hãng (Ảnh minh họa: Internet)
Các lỗ hổng bảo mật có mức ảnh hưởng cao được Cục An toàn thông tin cảnh báo tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gồm:
- Lỗ hổng CVE-2022-26815 trong Windows DNS Server cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.
- Lỗ hổng CVE-2022-26904 trong Windows User Profile Service cho phép đối tượng tấn công thực hiện tấn công nâng cao đặc quyền, đáng chú ý là lỗ hổng này đã có mã khai thác công khai trên Internet.
- Lỗ hổng bảo mật CVE-2022-26919 trong Windows LDAP cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.
- Và lỗ hổng bảo mật CVE-2022-24521 trong Windows Common Log File System Driver cho phép đối tượng tấn công thực hiện tấn công nâng cao đặc quyền.
Để đảm bảo an toàn thông tin, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần làm gì?
Để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần bảo đảm an toàn cho không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin khuyến nghị các đơn vị kiểm tra, rà soát, xác định máy sử dụng hệ điều hành Windows có khả năng bị ảnh hưởng, đồng thời cập nhật bản vá kịp thời để tránh nguy cơ bị tấn công.
Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng; thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời các nguy cơ.
Trường hợp cần thiết, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thể liên hệ với đầu mối hỗ trợ của Cục An toàn thông tin là Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia theo số điện thoại 02432091616 và thư điện tử ais@mic.gov.vn
Theo thống kê, trong quý I/2022, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 3.678 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 2,94% so với quý IV/2021. Trong đó, số sự cố tấn công cài mã độc (Malware) vẫn nhiều hơn cả, với 2.727 sự cố. Số sự cố tấn công lừa đảo (Phishing) và tấn công thay đổi giao diện (Deface) vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong quý I năm nay lần lượt là 576 và 375 sự cố. Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong quý I/2022, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma – PV) là hơn 1,6 triệu địa chỉ, giảm 6,53% so với quý IV/2021.
Nguồn: ictnews